Đây là lần đầu tiên một phiên họp toàn thể của
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lấy pháp quyền làm chủ đề
trọng tâm.
Phiên họp diễn ra từ ngày 20-23/10, sẽ thảo luận
một dự thảo nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về "các vấn đề quan trọng
liên quan tới việc thúc đẩy một cách toàn diện hệ thống luật pháp". Nghị quyết
sẽ tạo cơ sở để Đảng Cộng sản Trung Quốc thúc đẩy việc thực thi pháp luật một
cách toàn diện trong tình hình mới. Việc thực thi pháp luật sẽ đóng vai trò quan
trọng chưa từng có trong mọi công việc của Đảng và của chính phủ Trung Quốc.
Trước đó, tại cuộc họp ngày 30/9, Bộ Chính trị
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã quyết định thời gian và nội
dung phiên họp toàn thể. Tuyên bố của cuộc họp nhấn mạnh thực thi pháp luật là
"điều bắt buộc" nếu Trung Quốc muốn phát triển đất nước, xây dựng một xã hội
thịnh vượng về mọi mặt, đi sâu cải cách toàn diện, thúc đẩy chủ nghĩa xã hội
mang đặc sắc Trung Quốc và nâng cao khả năng lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung
Quốc.
Trung Quốc đưa vấn đề pháp quyền vào Hiến pháp
nước này những năm 1990. Đại hội lần thứ 15 của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm
1997 đã quyết định đưa "pháp quyền" trở thành chiến lược cơ bản và "xây dựng nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" là mục tiêu quan trọng trong quá trình hiện
đại hoá xã hội chủ nghĩa. Cụm từ "thực thi pháp luật, xây dựng nhà nước xã hội
chủ nghĩa trong khuôn khổ pháp luật" đã được bổ sung vào Hiến pháp Trung Quốc
năm 1999
Theo Báo Điện tử Chính phủ