Các nhà lãnh đạo dự hội nghị cấp cao G20 tại Australia
Hội nghị cấp cao G20 diễn ra trong bối cảnh đời sống chính trị, kinh tế thế giới
còn tồn tại nhiều khó khăn. Hoạt động kinh tế toàn cầu không có gì sáng sủa. Sáu
năm kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nổ ra năm 2008, nền kinh tế “đầu
tàu” thế giới là Mỹ vẫn đang tăng trưởng chậm chạp, không đồng đều và phải đối
mặt với một loạt thách thức. Do vậy, mục đích của hội nghị lần này chủ yếu tập
trung vào các biện pháp nhằm “cải thiện tương lai của nền kinh tế toàn cầu”.
Theo kế hoạch, Hội nghị sẽ thảo luận nhằm tìm ra biện pháp giải quyết các
thách thức toàn cầu, với mục tiêu nổi bật là nâng tốc độ tăng trưởng của khối
G20 lên ít nhất 2% so với hiện nay trong vòng 5 năm tới. Đây sẽ là một bước phát
triển quan trọng, giúp tăng thêm hơn 2.000 tỷ USD cho GDP toàn cầu, đồng thời
tạo ra hàng triệu việc làm mới.
Chiến lược tăng trưởng của G20 sẽ bao gồm cải cách cả về kinh tế vĩ mô và cấu
trúc phù hợp với từng nước; tăng cường đầu tư có chất lượng vào cơ sở hạ tầng;
cắt giảm rào cản thương mại; thúc đẩy cạnh tranh; tăng cường tạo việc làm.
G20 cũng sẽ thảo luận vấn đề phục hồi kinh tế toàn cầu với một số nội dung
thảo luận bao gồm: cải cách quy định tài chính; hiện đại hóa hệ thống thuế quốc
tế; cải cách các thể chế toàn cầu; đẩy mạnh phục hồi thị trường năng lượng; các
biện pháp củng cố hệ thống trao đổi thương mại toàn cầu; và chống tham
nhũng.
Chiều mai (16/11), hội nghị sẽ bế mạc và đưa ra tuyên bố chung
Theo Báo Điện tử Chính phủ