Ảnh minh họa
Báo cáo của IMF năm 2012 cho biết, số lượng các
nước có quy tắc tài khoá tăng mạnh trong khoảng 2 thập kỷ trở lại đây. Lý giải
cho sự gia tăng này là việc các nước ngày càng thận trọng hơn sau cuộc khủng
hoảng tài chính toàn cầu, kể cả các nước phát triển.
Khoá an toàn cho túi tiền quốc gia
Trên thế giới, các nguyên tắc tài khoá được đặt
ra rất đa dạng, nhưng về cơ bản, có thể chia thành 2 nhóm. Thứ nhất là các quy
tắc dựa trên mức bội chi và/hoặc nợ công (gọi chung là các quy tắc về bội chi)
và thứ hai là các quy tắc về chi tiêu.
Các quy tắc dựa trên mức bội chi trên thế giới
thường đưa ra các hạn chế mang tính định lượng về số bội chi ngân sách hàng năm,
có thể dưới dạng số tuyệt đối (thí dụ bội chi bằng 0) hoặc hạn chế mức bội chi
bằng tỷ trọng so với GDP. Các ví dụ điển hình cho loại quy tắc này là Hiệp định
Tăng trưởng và ổn định của Liên minh Châu Âu (EU) và quy định về ổn định ngân
sách của Mỹ (có hiệu lực từ năm 1986 đến năm 1990).
Hiệp định Tăng trưởng và ổn định của EU ấn định
mức bội chi ngân sách tối đa của các nước thành viên là 3% GDP. Vương quốc Anh
đã vận hành hai quy tắc tài khóa trong những năm gần đây. Quy tắc thứ nhất yêu
cầu trong một chu kỳ “Chính phủ chỉ được phép vay để đầu tư chứ không vay để chi
thường xuyên” (một “nguyên tắc vàng”). Quy tắc thứ hai yêu cầu “Nợ ròng khu vực
công theo tỷ lệ với GDP cần phải giữ ổn định ở mức cẩn trọng- hiện nay được xác
định là dưới 40% GDP” (quy tắc đầu tư vững chắc).
Tuy nhiên, chuyện “vượt đèn đỏ” về ngân sách của
nhiều nước EU vẫn xảy ra. Năm 2013, tính chung cả EU, thâm hụt ngân sách đạt
3,3% GDP và tổng nợ bằng 87,1% GDP. Theo thống kê, hiện Pháp và Italy được xem
là "hai vấn đề lớn nhất" trong nền kinh tế châu Âu vốn đang gặp rất nhiều khó
khăn. Hai nước này đang phải chịu áp lực rất lớn trong việc cắt giảm bội chi
ngân sách và thúc đẩy cải cách. Trong dự báo, EC cho biết mức thâm hụt của Pháp
sẽ lên tới 4,5% GDP vào năm 2015 và 4,7% trong năm tiếp theo, mức cao nhất trong
khu vực đồng Euro.
Năm 2003, sau cuộc khủng hoảng tài chính- tiền tệ
châu Á, Indonesia đã đặt ra quy tắc tài khoá, theo đó ấn định mức bội chi ngân
sách hàng năm tối đa là 3% GDP và dư nợ công tối đa là 60% GDP.
Đối với Singapore, vấn đề ngân sách được đưa vào
hiến pháp. Theo đó, trong nhiệm kỳ 5 năm, Chính phủ phải đảm bảo cân bằng ngân
sách, nghĩa là thâm hụt ngân sách của bất kỳ năm nào phải được bù đắp bằng thặng
dư ngân sách tích luỹ của những năm còn lại trong nhiệm kỳ.
Không còn vung tay quá trán
Một dạng quy định khác là các quy tắc về chi tiêu
ngân sách thay bằng quy định mức bội chi cũng được một số nước áp dụng. Theo đó,
thay vì trực tiếp nhằm vào hạn chế bội chi ngân sách, các quy tắc này nhằm vào
việc hạn chế việc ban hành các chính sách mới làm tăng chi và/hoặc làm giảm
thuế.
Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới và có nhiều
tác động đến tình hình chung của kinh tế thế giới đã thông qua dự luật “vách đá
tài khóa” vào ngày 31/12/2012, nhằm đưa nước này thoát khỏi tình trạng thâm hụt
ngân sách cao và tăng trưởng ì ạch, với nội dung tăng thuế các loại và giảm chi
ngân sách. Theo đó, Mỹ sẽ thực hiện tăng thuế đối với người có mức thu nhập từ
400.000 USD/năm trở lên và các hộ gia đình có thu nhập trên 450.000 USD mỗi năm.
Dự luật cũng sẽ giảm chi tiêu trong khu vực công khoảng 24 tỷ USD. Ngày
12/2/2013, Mỹ tiếp tục thông qua đề xuất điều chỉnh thuế và cắt giảm ngân sách
trong 10 năm tới.
Gần đây, Hàn Quốc ban hành Luật Tài chính Chính
phủ nhằm tăng cường hiệu quả của Kế hoạch quản lý tài khoá quốc gia 2010-2014,
trong đó đặt ra quy tắc duy trì tốc độ tăng tổng chi ngân sách nhỏ hơn tốc độ
tăng thu ngân sách khoảng 2-3% nhằm đạt mục tiêu cân bằng ngân sách vào năm
2013-2014.
Luật Trách nhiệm Tài khóa (1994) của New Zealand
quy định cụ thể năm nguyên tắc quan trọng mà chính phủ phải tuân thủ, trong đó
có yêu cầu tổng chi thường xuyên không vượt quá tổng thu thường xuyên...
IMF dự báo, thâm hụt ngân sách của các nền
kinh tế trên thế giới sẽ tiếp tục giảm trong các năm tới. Cụ thể, thâm
hụt ngân sách trung bình của thế giới sẽ ở mức 3,5% GDP năm 2014 và 3%
GDP năm 2015 từ mức 3,8% GDP của năm 2013. Khu vực các nền kinh tế phát
triển đạt được những cải thiện đáng kể, với mức thâm hụt ngân sách
trung bình đạt 4,3% trong năm 2014, 3,6% trong năm 2015, giảm rõ rệt từ
mức 4,9% năm 2013. Trong đó, nhờ các chính sách thắt chặt tài khóa
nghiêm ngặt, thâm hụt ngân sách của khu vực eurozone tiếp tục giảm
xuống 2,6% trong năm 2014, 2,0% trong năm 2015, từ mức 3,0% trong năm
2013.
Tại các nền kinh tế đang nổi và đang phát triển,
tỷ lệ thâm hụt ngân sách được dự báo ở mức 2,5% năm 2014 và 2015, trong đó, con
số của các nền kinh tế châu Á được dự báo trung bình ở mức 3,1% năm 2014 và 2,6%
năm 2015. Đến năm 2020, tình hình thâm hụt ngân sách của các nền kinh tế trên
thế giới có nhiều cải thiện hơn.
Theo Báo Điện tử Chính phủ